Tin tức sự kiện

Mất việc ở tuổi trung niên

 

Nhiều công nhân lao động khi bước sang tuổi trung niên đã buộc phải xin thôi việc vì sức ép năng suất, định mức và cường độ lao động cao, sức khỏe giảm sút; một số bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Điều đáng nói là khi chưa đến tuổi nghỉ hưởng BHXH, số công nhân (CN) này sẽ đi đâu, làm gì, cuộc sống ra sao?

Nghỉ việc vì sức ép năng suất, định mức lao động cao

Kết quả điều tra mới nhất của Viện CN và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho thấy, hiện có tình trạng khá phổ biến là CN độ tuổi ngoài 40, đặc biệt là lao động nữ và lao động trong các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài rơi vào tình huống: Họ phải nghỉ việc vì sức ép năng suất, định mức lao động cao, cường độ lao động căng thẳng, sức khỏe giảm sút... trong khi thu nhập không cao hoặc bấp bênh, không có thời gian lo cho gia đình, chăm lo cho con cái.

Mất việc ở tuổi trung niên - Ảnh 1.

Theo kết quả điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% CN làm công việc tự do

Bên cạnh đó, nhiều DN tìm mọi cách để chấm dứt hợp đồng với CNLĐ đã đến tuổi trung niên, như: Chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn; giao kết nhiều hợp đồng lao động ngắn hạn và chấm dứt khi hết hạn; tạo cớ hoặc sắp xếp lại sản xuất để chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải...

Kết quả điều tra của Viện CN và Công đoàn cho thấy, bình quân độ tuổi của CN trong các DN chỉ là 31,2 tuổi, trong đó CN trong các DN điện - điện tử là 26,9 tuổi; dệt may giầy da là 29,5 tuổi; chế biến - chế tạo là 30,9 tuổi... và thời gian trung bình CN làm cho các DN chỉ là 6,7 năm. Theo kết quả điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% CN làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ gia đình, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết: Tổng LĐLĐ Việt Nam hiện đã nắm bắt được thông tin ở một số doanh nghiệp, có tình trạng CNLĐ ở độ tuổi 35 trở lên khi hết hợp đồng lao động không được chủ sử dụng lao động tiếp tục ký hợp đồng; hoặc người sử dụng lao động tìm cách lách luật để chấm dứt hợp đồng lao động nhằm giảm đi gánh nặng trả lương cao, tránh phải đóng các khoản phí bảo hiểm xã hội cho lao động có thâm niên nhiều hơn so với lao động mới, trẻ tuổi…

Bà Đỗ Thị Yến - Giám đốc điều hành tại GPO - công ty chuyên cung cấp dịch vụ về nhân sự, tuyển dụng chỉ ra thực tế: Rất nhiều bạn trẻ mới đi làm rất thích chọn công ty nước ngoài, tuy nhiên, mức độ đào thải và cạnh tranh ở các công ty này rất cao. Điều đáng nói là ở các công ty này, mọi quy trình đã có sẵn, bạn chỉ cần làm đúng một việc lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác.

Sau khoảng 10 năm, mức lương của bạn có thể chỉ tăng khoảng 50% so với khi các bạn vào làm và có nguy cơ bị sa thải vì các công ty này chỉ tuyển chọn và sử dụng CN ở lứa tuổi 18-25 tuổi- nếu bạn không có kỹ năng nghề mới hoặc ở trình độ mới.

Bà Yến dẫn ra bằng chứng, theo "Báo cáo Điều tra lao động việc làm Quý 4/2016" của Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch đầu tư cho thấy, có đến 43,4% lao động trong độ tuổi 25-54 thất nghiệp. "Đây gọi là đối tượng thất nghiệp thứ phát, tức là đã có việc, lại mất việc làm và chưa tìm lại được việc làm do các yếu tố như khả năng bản thân yếu kém; bị sa thải hoặc nằm trong diện tái cơ cấu, tinh giảm biên chế; công ty giải thể hoặc phá sản; chán việc; bỏ việc... Đây là con số đáng báo động và đáng để suy ngẫm", bà Yến khẳng định.

Theo nhận định của các chuyên gia về lao động việc làm, bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không thể nói ở độ tuổi 35-40 CNLĐ mất khả năng lao động. Ở độ tuổi này, CN vẫn có thể làm nhiều công việc khác. Tuy nhiên, do trước đây công việc của họ thuần túy là lao động giản đơn, chỉ làm một khâu trong dây chuyền sản xuất nên khi bị chấm dứt hợp đồng lao động tại DN, họ khó có thể kiếm được công việc khác ở ngoài, khi ở độ tuổi khá cao.

Nguồn: nld

Chia sẻ