Tin tức sự kiện

ĐỘNG LỰC GIÚP BẠN “SỐC” LẠI TINH THẦN LÀM VIỆC

   Bạn từng tìm được công việc yêu thích và phù hợp với năng lực, thời gian đầu bạn dành toàn bộ nhiệt huyết, tâm sức cho công việc. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc, bạn nhận ra mình không còn niềm đam mê với công việc như xưa. Vậy, bạn cần làm gì để lấy lại động lực và tinh thần làm việc như ban đầu.

1.Lập lại mục tiêu công việc

Khi bạn đang chán nản với công việc hiện tại, việc lập lại mục tiêu công việc rõ ràng là việc cần thiết. Việc đặt ra cho mình những cái đích cần đạt được sẽ khơi dậy được sự nỗ lực trong mỗi con người. Lúc này, bạn cần đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu này càng chi tiết, tỉ mỉ và cao hơn những gì bạn đang có là điều cần thiết.

Sau khi có mục tiêu rõ ràng, bạn phải lập kế hoạch tiếp theo để thực hiện hóa những mục tiêu trên. Mục tiêu càng khó khăn bao nhiêu thì khả năng vực bạn khỏi “giấc ngủ” càng lớn hơn. Tuy nhiên, bạn cần nỗ lực thực hiện mục tiêu đề ra, thì hiệu suất công việc của bạn mới hiệu quả. Nếu cứ “đánh trống bỏ dùi” thì những mục tiêu dù có hay ho đến đâu cũng không thể thành hiện thực.

2.Coi trọng những thành công nhỏ

Điều đó đồng nghĩa với việc bạn cần sắp xếp lại những thứ bạn cho là “tiến bộ”. Thay vì liên tục tập trung vào việc bản thân đã tiến xa tới đâu thì hãy chú ý đến những bước tiến giúp cho bạn đi đúng hướng ngay cả khi chúng không thực sự nổi bật.

Ngoài ra, bạn nên dành thời gian tự hỏi bản thân mình những câu hỏi: "Hôm nay mình đã giải quyết được vấn đề gì?" hay "Mình đã mở rộng được mối quan hệ tới đâu?"... Hãy từ từ tiến từng bước nhỏ đến gần mục tiêu tưởng chừng không đạt được.

Những thành công tuy nhỏ nhưng là liều thuốc tinh thần to lớn giúp bạn có những hào hứng và phấn khởi đối với công việc. Vì vậy, để thực hiện những mục tiêu lớn, bạn nên góp nhặt những thành công nhỏ và lấy lại tinh thần làm việc sôi nổi như những ngày đầu.

3.Để người khác đánh giá hiệu suất công việc của bản thân

Khả năng chịu trách nhiệm và hành vi củng cố tích cực là những yếu tố quan trọng hình thành nên cảm xúc tích cực tại nơi làm việc. Nhưng bạn cũng không cần phải chờ đợi sếp đi tới đi lui kiểm tra mức độ chăm chỉ làm việc, hay nhận được những nhận xét tích cực về mình mới cảm thấy có động lực làm việc.

Thay vào đó, đề nghị mỗi tháng hãy thử tập hợp một nhóm nhỏ đồng nghiệp trong phòng hoặc trong mạng lưới làm việc lại với nhau để đánh giá hiệu suất công việc của mỗi người. Mọi người cũng có thể đặt ra một mục tiêu trong buổi họp và báo cáo tiến độ hoàn thành chúng trong buổi họp kế tiếp.

Điều này không chỉ giúp bạn tạo ra một cộng đồng có trách nhiệm mà còn cung cấp cho bạn những thông tin phản hồi cũng như lời khuyên từ phía các đồng nghiệp.

4.Thay đổi quan điểm của bản thân

Đôi khi bạn thường hạn chế khả năng của mình bằng cách nghĩ rằng “Mình đã làm rất tốt và không thể tốt hơn được nữa” và làm cho sự nghiệp chững lại. Trong vô vàn thứ thay đổi trong công sở hàng ngày, một yếu tố quan trọng mà bạn có thể kiểm soát là quan điểm của mình. Động lực sẽ tạo ra nhiều động lực hơn. Vì vậy, đừng tự thỏa mãn với bản thân mà hãy luôn luôn tìm kiếm và tiếp cận với những thử thách mới trong công việc. Việc thay đổi quan điểm như vậy giúp bạn có thêm động lực tiến xa hơn trong công việc.

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ