4 PHONG CÁCH NHÀ TUYỂN DỤNG - ỨNG VIÊN THƯỜNG GẶP
Bạn đã đủ tự tin chinh phục buổi phỏng vấn xin việc vào ngày mai? Chúng tôi chắc rằng ngay cả khi nội dung phỏng vấn đã được bạn lên kịch bản và tập luyện các câu trả lời thật trôi chảy, tâm lý lo lắng vẫn sẽ xuất hiện và gây phiền nhiễu ít nhiều. Một nỗi lo lắng phổ biến ở đa số ứng viên là liệu nhà tuyển dụng sẽ áp dụng phong cách phỏng vấn nào và họ phải ứng xử ra sao để thể hiện tài năng bản thân một cách ấn tượng nhất.
Đừng để những câu hỏi dưới đây làm bạn bối rối:
“Phải làm thế nào nếu nhà tuyển dụng tiếp chuyện với tôi bằng một thái độ lạnh lùng, thờ ơ?”
“Liệu nhà tuyển dụng có đặt ra những câu hỏi hóc búa cho tôi hay không?”
Hay đơn giản như, “Liệu ông/bà ấy có quá khó tính không?”
Chín người mười ý – Mỗi nhà tuyển dụng, từng buổi phỏng vấn sẽ mang không khí và tinh thần khác biệt. Cùng chúng tôi tham khảo một số phong cách nhà tuyển dụng thường gặp và phương pháp bạn nên ứng xử trong từng trường hợp. Khi đã nhận diện được mục tiêu và có cách ứng phó thích hợp, nỗi lo trong bạn về suy nghĩ liệu có vượt qua các vòng phỏng vấn sẽ nhanh chóng biến mất.
1. Phong cách phỏng vấn lạnh lùng
Đối diện với một nhà tuyển dụng lạnh lùng, hờ hững bạn sẽ cảm thấy khá khó khăn để đoán được suy nghĩ của họ, mức độ tự tin cũng từ đó giảm đi rõ rệt nếu không có sự chuẩn bị tâm lý từ trước.
Khi nhận được một câu hỏi, con người theo quán tính sẽ có xu hướng trả lời những gì họ cho rằng đối phương muốn nghe. Tuy nhiên trong bối cảnh phỏng vấn này, tốt nhất đừng bao giờ đi theo lối mòn. Dù liên tiếp được đáp trả bằng thái độ thờ ơ, không cảm xúc, hãy luôn duy trì việc tạo ấn tượng bằng cách thể hiện kiến thức phong phú của bản thân cũng như bề dày kinh nghiệm bạn đã tích lũy được từ các công việc trước.
Bên cạnh đó, phỏng vấn là hành vi tương tác qua lại vì vậy đừng chỉ rập khuôn trả lời tất cả các câu hỏi. Hãy đưa ra thắc mắc của bạn về công ty, hỏi về cảm nhận của nhà tuyển dụng khi làm việc tại môi trường này hay mức độ thăng tiến cao nhất bạn có thể đạt được bắt đầu từ vị trí hiện tại. Việc đặt câu hỏi ngược lại không chỉ thể hiện một hình ảnh năng động mà còn khơi gợi sự chia sẻ, đồng cảm từ nhà tuyển dụng, giúp bạn ghi điểm cho buổi phỏng vấn.
2. Phong cách phỏng vấn điều tra
Trong trường hợp này, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra rất nhiều nghi vấn và cần bằng chứng xác thực cho từng thông tin thể hiện trong đơn xin việc. Những bằng cấp, kỹ năng, từng chặng đường công việc hay như cách ứng viên hành xử trên mạng xã hội như thế nào… nhà tuyển dụng đều muốn kiểm tra tất cả! Bạn có cảm thấy bối rối và không thoải mái trong việc thể hiện bản thân? Và ứng phó khôn ngoan nhất trong tình huống này là gì?
Đầu tiên, cần chú ý lắng nghe từng câu hỏi của nhà tuyển dụng và đưa ra câu trả lời đầy đủ, đi đúng trọng tâm. Khi phân tích các câu hỏi, bạn sẽ cùng lúc nhận thấy điều gì công ty cần, những giá trị nào công ty mong đợi ở ứng viên, từ đó thể hiện bản thân thật hoàn hảo và nổi bật.
Ví dụ: yêu cầu đặt ra là cung cấp thông tin cụ thể về những dự án bạn đã từng đảm nhận, như vậy điều công ty trông đợi ở ứng viên không gì khác hơn là kỹ năng giải quyết với đề và đưa ra sáng kiến cải tiến công việc. Một điều cần lưu ý thêm ở các nhà tuyển dụng mang xu hướng “điều tra” là họ có thể yêu cầu bạn thao tác trực tiếp trên máy móc, thiết bị để kiểm tra các kỹ năng được liệt kê trong đơn xin việc. Hãy lường trước các tình huống này, tập luyện thao tác từ trước để trở nên ấn tượng trước nhà tuyển dụng.
3. Phong cách phỏng vấn dọa dẫm
Đối với những cá nhân đã có thời gian dài làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, việc bỏ quên những khó khăn, bỡ ngỡ của “lính mới” là tâm lý khá phổ biến. Tâm lý này cũng áp dụng lên một bộ phận nhà tuyển dụng; họ sẽ vặn vẹo, yêu cầu các ứng viên khi phỏng vấn phải thể hiện kỹ năng nổi trội và chứng minh năng lực phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Những nhà tuyển dụng này tạo cho ứng viên cảm giác như đang bị “dọa dẫm”! Đây cũng là một phong cách phỏng vấn thường gặp, vì vậy hãy thật bình tĩnh khi gặp phải tình huống này. Cố gắng thể hiện kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyên môn, thế mạnh nào của bản thân có thể tương tác, đổi mới công ty một cách ấn tượng. Nếu những yếu tố trên vẫn chưa đủ thuyết phục, chúng tôi gợi ý bạn nên bộc lộ quyết tâm phát triển sự nghiệp tại đây với nhà tuyển dụng và đưa ra lý do vì sao bạn đánh giá doanh nghiệp là một trong những “tay đua” dẫn đầu trên thị trường.
4. Phong cách phỏng vấn hời hợt
Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống gặp gỡ nhà tuyển dụng mà anh ấy/cô ấy không hề có kế hoạch phỏng vấn bạn từ trước? Họ chỉ ghé đến tham dự và đôi khi chính bạn lại trở thành người chủ động hoàn toàn trong buổi phỏng vấn! Đó chính là những nhà tuyển dụng có phong cách hời hợt!
Có thể bạn khá bất ngờ khi những hình dung về người phỏng vấn bị phá vỡ vì sự thiếu chuẩn bị từ đối phương, nhưng trong bất cứ trường hợp nào đừng để sự bối rối làm ảnh hưởng đến cả quá trình. Hãy nhanh chóng lấy lại tinh thần vì khi nhà tuyển dụng mù mờ thông tin, cũng sẽ là lúc họ đưa ra cho bạn hàng loạt câu hỏi. Đây có thể coi như một lợi thế giúp bạn “tiếp thị” bản thân! Sử dụng câu chữ một cách thông minh, đưa ra những điểm mạnh, và cách khắc phục những điểm yếu của bản thân để tạo ấn tượng mạnh mẽ trước nhà tuyển dụng. Cơ hội không đến hai lần, hãy tận dụng mọi thời cơ để nắm bắt thành công ngay hôm nay!
Bí quyết hầu hết các ứng viên tài năng sử dụng để mở cánh cửa thành công rất dễ dàng tìm thấy, và bạn cũng có thể sở hữu! Tìm tòi thông tin, chuẩn bị kĩ lưỡng và hãy mang một phong thái tự tin bước tới trò chuyện cùng nhà tuyển dụng. Khi bạn hiểu rõ khả năng của bản thân, bất kì con đường dẫn đến cơ hội nghề nghiệp nào cũng sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ và thú vị.
|