Tin tức sự kiện

Chúng ta học được gì từ cách các trường đại học châu Âu hướng nghiệp cho sinh viên của mình?
“Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của của một con hải âu. Con phải bay!”.

 


Đoạn văn nhỏ ở trên trích trong tác phẩm có tên, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”.“Con phải bay!” đó là thông điệp rất rõ ràng trong những hoạt động hướng nghiệp mà nhiều nước châu Âu cố gắng truyền tải tới cho sinh viên ngay từ khi họ chập chững bước chân vào trường, cho đến lúc họ gần như đã sẵn sàng “cất cánh”. Họ đã làm như thế nào, hãy cùng khám phá.

“Để có thể sinh tồn, con phải biết thế nào là một con hải âu”

Khi bước chân vào các trường đại học, các sinh viên thường có được cho mình những định hướng ban đầu, cơ bản nhất về ngành nghề họ muốn theo đuổi. Tuy nhiên, những định hướng này với đa số sinh viên mới chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, vẫn thiếu rất nhiều liên hệ cụ thể với thực trạng thị trường lao động. Đó chính là lý do, bên cạnh các môn học chính cung cấp những kiến thức nền tảng của ngành học, nhà trường sẽ giúp sinh viên hiểu về thực tế nghề nghiệp và thúc đẩy họ suy nghĩ về định hướng riêng ngay từ ban đầu. Nhà trường muốn xóa bỏ những “mơ hồ” và “hiểu nhầm” của sinh viên về nghề nghiệp, đồng thời giúp sinh viên nhìn nhận một cách thực tế và cụ thể hơn.

 

 

Ảnh: chalmers.se

 

Lấy ví dụ trong khoa tâm lý học của một đại học công lập của Pháp, ngay năm học đầu tiên sinh viên đã được tham gia lớp học “Hội thảo giới thiệu các nghề nghiệp trong lĩnh vực tâm lý”. Những người diễn thuyết trong hội thảo đều là cựu sinh viên của khoa, hiện tại đang công tác tại những vị trí khác nhau thuộc các chuyên ngành rất đa dạng của nghề.

Trong cuộc trò chuyện này, mỗi diễn giả sẽ miêu tả trước hết về công việc hiện tại của họ với những nhiệm vụ, những đối tượng cụ thể mà họ đang cùng làm việc: ví dụ nhà tâm lý học thần kinh có thể làm việc với các bệnh nhân có tổn thương về não; trong khi đó một nhà tâm lý học nhận thức lại phát huy ưu thế nghề nghiệp của mình trong một công ty chuyên thiết kế các phần mềm giáo dục. Đồng thời, các diễn giả sẽ thuật lại chi tiết quá trình học tập cùng những định hướng và chuyển hướng trong nghề của chính họ.

Những câu chuyện người thật, việc thật sẽ giúp khắc họa rõ nét hơn “chân dung thực tế” của nghề nghiệp trong tương lai, từ đó giúp sinh viên trả lời được những câu hỏi “Tôi sẽ làm việc ở đâu? Với ai?” và quan trọng nhất là “vai trò của tôi là gì?”. Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên trong việc cụ thể hóa định hướng nghề nghiệp của mình.

 

 

Ảnh: schooloffrench.in

 

Khi kết thúc năm học đầu tiên, lớp học này sẽ kết thúc trên danh nghĩa, bởi những hoạt động giới thiệu về nghề sẽ dần được chuyển tải sâu vào các môn học và các giáo viên luôn sẵn sàng để trả lời bất cứ câu hỏi nào của sinh viên. Người Pháp chỉ giữ sự chủ động một cách vừa đủ trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Họ cung cấp tất cả thông tin, cách thức đặt câu hỏi và lập kế hoạch, nhưng không bao giờ chủ động giục giã bạn nghĩ về kế hoạch của mình.

Thầy cô sẽ chỉ luôn đưa ra tín hiệu “chúng tôi luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của các bạn, nhưng hãy có trách nhiệm với việc học và nghiên cứu của mình”. Khi bạn chủ động tới hỏi, giảng viên luôn sẵn sàng sắp xếp một buổi gặp riêng với bạn, bất cứ khi nào bạn cần để cùng bạn trả lời những câu hỏi, hoặc xem xét một hướng đi. Bởi với người Pháp, “tính chủ động” mới chính là yếu tố giúp sinh viên gây dựng được sự tự tin và bồi đắp được sự nỗ lực của bản thân.

Qua những nỗ lực giúp sinh viên có được những hiểu biết đúng đắn về nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Chỉ có một hiểu biết cụ thể và luôn cập nhật mới có thể giúp sinh viên thực sự vạch những kế hoạch hiệu quả cho việc học và nghiên cứu của mình. Một cách hình ảnh hơn, người Pháp nỗ lực giúp sinh viên của mình hiểu họ sẽ là ai sau khi ra trường và để trở thành một người có thể làm việc, sinh viên cần rèn luyện và mài giũa mình trong những lĩnh vực nào của kiến thức và kỹ năng.

“Biết thôi chưa đủ, con phải tập bay một cách thực chất”

Tập bay ở đây muốn nói đến việc thực tập. Kỳ thực tập là trải nghiệm thiết thực nhất mà một sinh viên có được để học cách thích ứng với công việc trong tương lai. Từ quá trình tìm nơi thực tập, chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn, thi tuyển và học cách “sống sót” qua ba đến sáu tháng làm việc thực sự sẽ khiến mọi sinh viên trở nên vững vàng hơn rất nhiều. Bởi họ đã có dịp trải nghiệm những căng thẳng, hồi hộp và lo lắng của quá trình tìm và hoàn thành thực tập.

 

 

Ảnh: chalmers.se

 

Nhận thức được điều này, các trường học ở châu Âu rất chú trọng đến việc tạo điều kiện tối đa để giúp sinh viên tìm được thực tập. Điển hình như các trường đại học ở Phần Lan, một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới, nhà trường sẽ hỗ trợ sinh viên chi phí đi lại và trả lương một phần nếu sinh viên có thể tìm được những vị trí thực tập ở nước ngoài phù hợp với chuyên ngành học. Thậm chí, trong một số trường học, nếu sinh viên có thể tìm vị trí thực tập trong một công ty nhỏ ở Phần, mà không được công ty trả lương đạt mức lương tối thiểu 600 euro/tháng, thì nhà trường sẽ hỗ trợ công ty 1.800 euro trong 3 tháng để trả lương cho sinh viên. Điều này tạo động lực cho sinh viên đặt tâm vào tìm kiếm những vị trí việc làm thích hợp với ngành học và trải nghiệm thế giới thực tế qua những chuyến thực tập đáng nhớ.

Trường học ở Phần Lan cũng thường xuyên tổ chức những chuyến tham quan công ty đa quốc gia lớn ví dụ như: BCG, McKinsey… để sinh viên có cơ hội giao lưu trao đổi với doanh nghiệp và trực tiếp tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của công ty đó. Sinh viên sẽ thu được những kiến thức và thông tin bổ ích mà người ngoài trường không thể có được. Hơn nữa, những hoạt động hướng nghiệp bao gồm hội thảo và các buổi “hội chợ nghề nghiệp” – nơi đại diện các công ty đến trường học để nói về công ty và các vị trí cần tuyển của công ty mình cho sinh viên, nhằm thu hút nhân tài – được tổ chức 2 lần 1 năm, phục vụ rất nhiều cho con đường sự nghiệp của sinh viên. Nhà trường cũng có một cổng điện tử để sinh viên có thể tìm kiếm các vị trí công việc của các công ty còn trống và nộp hồ sơ.

Bên cạnh đó, các trường luôn đòi hỏi ở sinh viên một kì thực tập thực chất lượng và nghiêm túc. Ở Pháp, trong rất nhiều trường, các giáo viên sẽ sắp xếp các buổi “Theo dõi thực tập” song song với thời gian thực tập của sinh viên. Trong những giờ học này, các sinh viên sẽ cùng nhau trao đổi về nhiệm vụ cụ thể của họ tại nơi làm việc cũng như những khó khăn, khúc mắc mà họ gặp phải và mọi người sẽ cùng nhau nghĩ phương án giải quyết.

 

 

 

 

Ảnh: globo.com

 

Những buổi thảo luận như thế này chính là môi trường để sinh viên làm quen với những vấn đề có thể phát sinh trong công việc và trong các mối quan hệ; đồng thời học hỏi từ giáo viên cũng như các bạn cùng lớp cách thức nhìn nhận và giải quyết vấn đề, cũng như có những sáng kiến của riêng mình.

Chúng ta có thể thấy rằng, các trường đại học của châu Âu luôn chọn cho mình vị trí của những người tạo cơ hội trong việc hướng nghiệp cho sinh viên. Các thầy cô không phải là người làm thay mọi việc cho sinh viên, cũng không thờ ơ đứng ngoài kế hoạch sự nghiệp của các học trò. Họ chọn cho mình vị trí của những người dẫn đường và trợ giúp. Vị trí này sẽ giúp sinh viên có được sự tự tin, yên tâm nhưng đồng thời không mất đi sự chủ động chịu trách nhiệm cho việc học tập và làm việc của chính mình.

Nguồn: Dkn.tv Intetnet

Chia sẻ