Tin tức sự kiện

Thị trường lao động hậu Covid-19: Sẽ có chuyển biến mới
Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho thị trường lao động được khơi thông. Vấn đề đặt ra lúc này là giải quyết việc làm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động.

Thị trường lao động khởi sắc

"Tại Hà Nội, đã có gần 80% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, khoảng 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19", số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

 
Sau khoảng thời gian khó khăn, gần đây thị trường lao động đã cho thấy những tín hiệu lạc quan. Các doanh nghiệp bắt đầu có thông tin tuyển dụng nhiều hơn, tìm kiếm nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động tái sản xuất, kinh doanh, những người lao động thất nghiệp có điều kiện quay trở lại thị trường lao động sớm hơn. Riêng thị trường Hà Nội được đánh giá là có lượng cầu tương đối lớn với quy mô gần 200.000 doanh nghiệp. Trong số 1.600 doanh nghiệp trên địa bàn được khảo sát về nhu cầu tuyển dụng ở thời điểm hiện tại, có khoảng 1.000 doanh nghiệp có nhu cầu lao động với chỉ tiêu trên 10.000 việc làm. Các vị trí cần tuyển dụng chủ yếu là công nhân sản xuất, kỹ sư cơ khí, chế tạo, may mặc... Điều này sẽ giúp khai thông thị trường lao động, gỡ nút thắt trong việc hỗ trợ lao động thất nghiệp.


Chị Trần Thị Trang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã nghỉ công việc nhân viên ngân hàng và có nhu cầu tìm việc mới, tuy nhiên chị phải đợi một thời gian khá dài khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát mới có thể tìm kiếm việc làm. “Do tình hình Covid-19 nên tôi chưa tìm được công việc phù hợp với mình. Tôi đến trung tâm giới thiệu việc làm để được hỗ trợ trong việc tìm hiểu xu hướng hiện tại về nguồn nhân lực mà xã hội đang cần. Đây là một cơ hội để tôi khai thác một ngành nghề khác, một hướng đi mới cho mình” – chị Trang chia sẻ.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, mặc dù thị trường lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, cơ cấu lao động của Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay chuyển dịch theo hướng tích cực. Số người có việc làm trong quý I/2020 là 4,14 triệu người, con số này có khả năng sẽ tăng lên 4,16 triệu người trong quý II/2020. Trong đó, ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng tỷ lệ lao động.

Nếu tình hình phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế phát triển trở lại sẽ giảm tải lớn số người thất nghiệp trong thời gian tới.

Tăng kết nối cung – cầu

Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang triển khai các giải pháp tăng cường thông tin về thị trường lao động và hoạt động tư vấn để nâng cao cơ hội việc làm cho người lao động. Cụ thể, thu thập nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu về cung và cầu. Từ đó kết nối bên tuyển dụng và bên đăng ký việc làm bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là tuyển dụng online thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Đến thời điểm này, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có khoảng 1.200 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng thông qua các hoạt động của trung tâm với trên 12.000 chỉ tiêu tuyển dụng.

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi. Tác động của dịch Covid-19 đã dẫn đến sự thay đổi về mô hình sản xuất, phương thức vận hành của nhiều ngành nghề, thúc đẩy sự chuyển dịch lao động. Nhu cầu về lao động sẽ tiếp tục gia tăng, kèm theo đó là nhiều công việc mới phát sinh, chuyển đổi nghề nghiệp sau dịch. Nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp ưu tiên chủ yếu vào các vị trí liên quan đến ứng dụng công nghệ, do đây là lĩnh vực đang trong giai đoạn phát triển, nguồn cung nhân lực còn khan hiếm. Chính vì thế, người lao động cần phải kịp thời thích nghi với các điều kiện mới để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới.

Theo ông Tạ Văn Thảo, thị trường lao động sắp tới vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, thách thức luôn song hành với cơ hội. Cơ hội sẽ dành cho những người có sự đầu tư, sáng tạo và muốn thay đổi. Các hình thức sản xuất mới sẽ có chỗ đứng, góp phần tạo ra một cuộc cách mạng giúp tái cơ cấu, tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng hiện đại, gia tăng năng suất lao động. Điều này sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch lao động theo chiều hướng tiến bộ.

Nguồn: Ngọc Mai- Công thương

 
 
Chia sẻ